Ông Mai Xuân Đạt – Chủ tịch Công ty Cổ phần Kết nối & Cố vấn quản trị MRD (MRD Connect) xuất phát điểm là một người đam mê khởi nghiệp, đã tự mình thành lập ra các doanh nghiệp và không ngừng miệt mài tìm hiểu các phương pháp quản trị nhằm tạo ra các tập thể hiệu suất cao. Ông Đạt đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong quản trị, phát triển doanh nghiệp và ông chia sẻ: “Tôi có một giấc mơ kết nối tri thức quản trị”. Ông kể lại câu chuyện:
Hồi lâu lắm rồi, cỡ 2016, 2017 gì đó, khi tôi đang cảm thấy công ty rối tung rối mù, tôi đi tìm kiếm giải pháp quản trị. Đi học khắp nơi, tham gia các hội nhóm, làm quen các anh các chị, để tìm cho mình câu trả lời “đâu là giải pháp quản trị phù hợp với bản thân và công ty”.
Tìm mãi tìm mãi, cuối cùng cũng có 1 người (mà tôi tin tưởng, vì người đó có tiếng) nói với tôi rằng: “Em biết không, con người có khả năng thay đổi cảm xúc 10.000 lần mỗi giây. Quản lý con người là không thể. Vì vậy hãy tập trung xây dựng bộ máy, quy trình để mọi thứ vận hành tự động, không cần quan tâm đến con người”. Tôi cảm thấy như bừng sáng, vào thời điểm đó 1 tuần tôi phải nhậu 3 4 buổi chỉ để giải quyết vấn đề cảm xúc của từng nhân sự.
Thế rồi tôi bắt đầu kế hoạch lớn “tự động hoá doanh nghiệp bằng quy trình”. Rất rất nhiều quy trình đã được đưa ra. Kết quả là… mà thôi, kể lể 3 4 năm xây dựng quy trình và nỗi đau thì nhiều vô kể, không kể hết được.
Mãi sau này, khi nghiêm túc tìm hiểu về quản trị, tôi chịu khó đọc sách và các bài báo trên Harvard Business Review, tôi mới biết được rằng “Sau cùng, quản trị là vấn đề con người. Quản trị là tập hợp nỗ lực của cả nhóm vào mục tiêu chung, phát huy điểm manh của mỗi người…”. Câu này tôi vắn tắt lại của Peter Drucker, cha đẻ của quản trị học hiện đại mà cả thế giới đang thực hiện.
Ngẫm lại, tôi thấy lời khuyên “quy trình” thật tai hại, đã ngốn của tôi 3, 4 năm vất vả và đánh mất đi hàng chục nhân sự giỏi vì sự cứng nhắc của tổ chức và sự thiếu niềm tin của lãnh đạo (là tôi) vào con người. Quy trình là thứ quan trọng, nhưng là để giúp con người phù hợp làm việc tốt hơn chứ không phải là để kiểm soát con người.
Có một nhóm nhỏ tự quản trong cộng đồng “Học làm Sếp” có tên là “Tự động hoá”, khi mọi người hỏi tôi về định nghĩa, tôi nói rằng “Tự động hoá doanh nghiệp ngắn gọn là tập thể đồng lòng, chủ động hướng tới mục tiêu chung”.
Vậy đó, tìm sai người, nhận sai lời khuyên, làm mỗi người CEO chúng ta đi sai con đường, tốn kém thời gian và tiền bạc.
Điều đau đớn của tôi là sau khi nhận ra bản chất của quản trị, tôi thấy có rất nhiều anh chị chia sẻ những điều đúng đắn. Chỉ có điều là với vốn kiến thức gần như là zero vào thời điểm 5 7 năm trước, tôi không thể phân biệt đâu là lời khuyên đúng, đâu là lời khuyên sai.
Cho tới giờ, trong một số phạm vi hẹp (OKRs, văn hoá doanh nghiệp, tuyển dụng…), tôi có khả năng đưa ra những nhận định, gợi ý, hướng dẫn giúp các CEO hiểu đúng, làm đúng. Nhưng còn vô số tri thức khác nữa thì sao? Làm sao để các CEO không vấp phải “lời khuyên lãng phí 3, 4 năm”?
Gần 30 năm, Việt Nam bắt đầu đi vào con đường tăng trưởng, phát triển, đã có vô số lớp người đi qua khó khăn thị trường, gây dựng các tổ chức đáng ngưỡng mộ; đã có vô số chuyên gia, đam mê nghiên cứu và ứng dụng quản trị; họ đang sở hữu tài sản tri thức khổng lồ mà không một giáo trình nào, một chương trình nào có thể chứa đựng.
Tôi có một GIẤC MƠ: Kết nối tri thức quản trị, để mỗi CEO có thể tìm ra đúng người, đưa ra đúng lời khuyên, trên con đường hướng tới xây dựng các doanh nghiệp hạnh phúc, bền vững.
Đó là lý do “MRD Connect” ra đời.