Theo Giáo sư James L. Heskett (Giáo sư lĩnh vực kinh doanh Logistics): “Văn hóa doanh nghiệp có thể chiếm 20 – 30% hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”. Khi một doanh nghiệp hoạt động, vận hành hiệu quả thì tất yếu sẽ hình thành động lực tăng trưởng giúp doanh nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Bạn hãy cùng MRD tìm hiểu văn hoá doanh nghiệp & động lực tăng trưởng của doanh nghiệp qua bài viết sau.
Văn hoá doanh nghiệp là gì?
Văn hóa doanh nghiệp được hình thành từ lãnh đạo doanh nghiệp, là chính tính cách, phong thái, cách suy nghĩ, hành xử của lãnh đạo. Văn hoá doanh nghiệp là cái doanh nghiệp đang có, hiện có chứ không phải những điều tốt đẹp doanh nghiệp cần hướng tới.
Theo Peter Drucker: “Nếu một tổ chức có tinh thần tuyệt vời, đó là bởi vì tinh thần của những người hàng đầu của nó tuyệt vời. Nếu nó suy tàn, nó sẽ như vậy bởi vì những người hàng đầu đã thối rữa… Không ai được bổ nhiệm vào vị trí cấp cao trừ khi lãnh đạo cao nhất sẵn sàng để hình ảnh của nhân viên đó làm hình mẫu cho cấp dưới”.
Xét về mặt cấu trúc hình thành, văn hoá doanh nghiệp có thể được chia ra thành 3 lớp theo mô hình văn hoá tổ chức của Edgar Schein như sau:
- Quan niệm nền tảng – ngầm định (Basic Assumptions) là niềm tin, nhận thức mặc định đối với tất cả các thành viên của doanh nghiệp. Đây là cấp bậc cao nhất của văn hóa tổ chức, chi phối, giúp tất cả các phòng ban, nhân viên cùng hành động, suy nghĩ trong một tâm thế chung như một chỉnh thể. Quan niệm nền tảng, ngầm định là yếu tố giúp doanh nghiệp vận hành như một tổ chức chứ không chỉ là một đám đông.
- Các giá trị được đồng thuận, tuyên bố (Espoused values) thường được thể hiện qua các hình thức như: giá trị cốt lõi, bộ quy tắc chung, các quy định được ban hành, chiến lược, sứ mệnh… Các giá trị được đồng thuận, tuyên bố như trên được công bố rộng rãi trong toàn tổ chức và thậm chí là cả với bên ngoài. Ở cấp độ văn hóa này, các giá trị được đồng thuận được áp dụng như một kim chỉ nam giúp mọi cá nhân trong tổ chức hiểu rõ cần đi về đâu, đi như thế nào. Do đó, nhìn vào giá trị được đồng thuận, tuyên bố của một tổ chức, bạn có thể cảm nhận được tổ chức này định vị mình ở đâu và họ đang muốn hướng tới điều gì trong dài hạn.
- “Tạo tác” và các hành vi – hữu hình (Artefacts) có thể kể đến như: logo, slogan, màu sắc thiết kế, trang phục, bảng biểu, cách viết email, cách giao tiếp, phối hợp, quy trình làm việc… Những tạo tác, hành vi hữu hình phản ánh văn hóa của doanh nghiệp một cách trực diện, dễ nhận biết và phần nào thể hiện “tính cách” của một doanh nghiệp.
Những động lực tăng trưởng của doanh nghiệp
Động lực tăng trưởng của một doanh nghiệp có thể đến từ nhiều hướng, khía cạnh khác nhau. Khi một tổ chức có các khía cạnh phát triển cân bằng, hài hoà thì tương ứng với đó, động lực tăng trưởng của tổ chức cũng sẽ có xu hướng phát triển đi lên. Bạn có thể xem xét các khía cạnh giúp tạo nên động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp như:
- Khía cạnh học hỏi và phát triển: bao gồm các chỉ số đo lường về chất lượng nguồn nhân lực, số giờ đào tạo hay được đào tạo của các thành viên trong tổ chức…
- Khía cạnh quy trình nội bộ: bao gồm các chỉ số như quy mô tăng trưởng tổ chức, thời gian làm việc trung bình tại doanh nghiệp của nhân viên hay mức độ tối ưu hóa, rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình nội bộ…
- Khía cạnh khách hàng: bao gồm các chỉ số đo lường mức độ hài lòng của khách hàng với sản phẩm, dịch vụ hay với công ty của bạn
- Khía cạnh tài chính: bao gồm các yếu tố như tốc độ tăng trưởng doanh thu, chi phí cố định, chi phí khấu hao, lợi tức đầu tư, lợi nhuận thu về…
Với mỗi doanh nghiệp trong những ngành nghề và thời điểm phát triển khác nhau sẽ cần có sự cân chỉnh, kế hoạch cân bằng các khía cạnh phát triển, thúc đẩy sự tăng trưởng khác nhau. Chẳng hạn như:
- Doanh nghiệp trong giai đoạn đầu khởi nghiệp cần quan tâm nhiều đến khía cạnh khách hàng, xem xét sản phẩm, dịch vụ của mình dưới góc nhìn, nhu cầu của khách hàng
- Doanh nghiệp khi đã vận hành ổn định cần quan tâm nhiều đến khía cạnh tài chính để đảm bảo tối ưu hoá lợi nhuận, tạo tiền đề tài chính giúp doanh nghiệp mạnh mẽ hướng tới các mục tiêu thử thách hơn
- Còn khi doanh nghiệp muốn bứt phá, mở rộng quy mô thì đây là lúc lãnh đạo sẽ cần quan tâm nhiều đến yếu tố tối ưu hoá quy trình nội bộ cũng như thúc đẩy quá trình học hỏi, phát triển trên toàn tổ chức.
Qua phân tích ở trên, bạn có thể nhận thấy, động lực tăng trưởng của doanh nghiệp có thể được thúc đẩy bởi các yếu tố, khía cạnh về học hỏi, phát triển, quy trình nội bộ, khách hàng và tài chính. Nhưng, có một yếu tố bao trùm lên toàn bộ 4 khía cạnh trên, đó chính là văn hoá doanh nghiệp.
Văn hoá doanh nghiệp tác động như thế nào đến tăng trưởng doanh nghiệp?
Văn hoá doanh nghiệp là tổng thể của các quan niệm nền tảng, ngầm định, các giá trị được đồng thuận, tuyên bố hay những “tạo tác” và các hành vi – hữu hình. Tổng thể văn hoá doanh nghiệp không phải chỉ là những hoạt động teambuilding, logo, bảng biểu hay vui chơi định kỳ của công ty mà còn là những giá trị được đồng thuận và cao hơn là quan niệm nền tảng gắn kết đội ngũ của bạn thực sự như một tổ chức.
Văn hoá doanh nghiệp phù hợp hoàn toàn có thể tác động đến tăng trưởng doanh nghiệp của bạn ở các khía cạnh như:
- Tạo ra sự gắn kết cao hơn trong đội ngũ
- Gia tăng khả năng làm việc nhóm
- Giảm thiểu tỷ lệ biến động nhân sự
- Thuận lợi hơn trong công tác tuyển dụng
- Kích thích sự đổi mới, sáng tạo
- Nâng cao hiệu suất công việc
- Thúc đẩy tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh
Văn hóa doanh nghiệp không hề trừu tượng, xa vời. Nó được thể hiện rất rõ qua tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp, qua cách phối hợp, hành động, cách ứng xử trong đội ngũ tổ chức và với khách hàng, đối tác. Khi đội ngũ của bạn có được văn hóa doanh nghiệp phù hợp, đội ngũ của bạn sẽ thực sự hoạt động như một tổ chức với khả năng tự động hoá quy trình sản xuất, kinh doanh theo một chuẩn mực chung của tổ chức.
Các nghiên cứu chuyên sâu về văn hoá doanh nghiệp cũng chỉ ra tác động của văn hoá doanh nghiệp đến sự tăng trưởng của doanh nghiệp.
Một nghiên cứu của Gallup cho biết: những công ty có nhân viên gắn bó, hợp tác cao tạo ra lợi nhuận cao hơn 23% và có tỷ lệ năng suất cao hơn 18% so với những công ty không có sự gắn kết. Mức độ hợp tác cao của nhân viên có thể giúp nhân viên làm việc hiệu quả, thông minh với hiệu suất ngày càng được cải thiện.
Văn hóa công ty tiêu cực, khả năng hợp tác kém có khả năng khiến nhân viên nghỉ việc cao hơn. Có đến 38% nhân viên cân nhắc rời bỏ công việc hiện tại khi họ cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bị mắc kẹt trong môi trường làm việc không được chào đón. Đồng thời, khoảng 65% nhân viên cho biết văn hóa công ty là yếu tố quan trọng trong việc duy trì công việc của họ.
Còn cuộc khảo sát của Deloitte cho thấy 94% giám đốc điều hành và 88% nhân viên tin rằng văn hóa nơi làm việc khác biệt là quan trọng đối với thành công trong kinh doanh.
*
Hy vọng những chia sẻ của MRD về văn hoá doanh nghiệp và động lực tăng trưởng của doanh nghiệp hữu ích và là những gợi mở tốt dành cho bạn. Để tìm hiểu thêm thông tin về quản trị doanh nghiệp, phát triển đội ngũ, thu hút nhân tài, bạn có thể truy cập M Share – kênh nội dung tập hợp tin bài về quản trị đúng của MRD.